Sau khi tăng gấp 10 lần trong một thập kỉ, xuất khẩu gạo của Nhật Bản được dự báo tiếp tục tăng trưởng, với sự quan tâm đặc biệt đối với thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc.
Dữ liệu từ chính phủ Nhật Bản cho thấy xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 76% so với năm trước lên 524 tấn trong 2018. Mức tăng trưởng này đã thúc đẩy tổng khối lượng xuất khẩu của Nhật Bản lên mức kỉ lục 13.794 tấn, tăng 17%.
Trung Quốc vẫn chỉ chiếm 4% xuất khẩu của Nhật Bản, vì các quy định nghiêm ngặt của Bắc Kinh chỉ cho phép gạo chế biến tại một số cơ sở được ủy quyền. Cho tới năm ngoái, cảng Nhật Bản duy nhất nhận được sự cho phép của Trung Quốc là Yokohama.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 5 năm ngoái, Bắc Kinh đã thông qua các cơ sở xay xát ở tỉnh Hyogo và Hokkaido.
Trung Quốc tiêu thụ gạo nhiều gấp 20 lần so với Nhật Bản và là thị trường quan trọng đối với người trồng lúa ở quốc gia mặt trời mọc, khi họ hi vọng sẽ bán được nhiều hơn ra nước ngoài trong năm nay.
Đọc ngay bài viết gạo Nhật mua ở đâu tốt nhất hiện nay tại thị trường Việt Nam.
JA Minaho, một hợp tác xã nông nghiệp ở thị trấn Nyuzen, Toyama - một tỉnh nằm trên bờ biển Nhật Bản - đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 18% trong năm nay lên 1.000 tấn, xuất hiện tại 31 quốc gia thông qua quan hệ đối tác với nhà bán buôn gạo hàng đầu Shinmei.
Xuất khẩu gạo của hợp tác xã JA Minaho tăng vọt từ chỉ 21 tấn trong năm 2009 - năm đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài - lên 850 tấn trong năm 2018.
"Nếu chúng tôi muốn kiếm thu nhập bằng ruộng lúa của mình tại thời điểm dân số Nhật Bản đang giảm, chúng tôi sẽ tập trung vào xuất khẩu, ngay cả khi giá rẻ hơn một chút", chủ tịch của hợp tác xã cho biết.
JA Minaho đang tìm cách tận dụng các quy định mới của Trung Quốc về cảng biển, chuyển gạo đến cảng gần Kobe, tỉnh Hyogo, để vận chuyển nhanh hơn so với từ Yokohama, một quan chức cho biết.
Trong gần nửa thế kỉ cho đến năm 2017, Nhật Bản cố tình giảm sản lượng gạo và diện tích gieo trồng theo một chương trình của chính phủ để kéo giá tăng cao. Xuất khẩu vẫn dưới 2.000 tấn một năm trong những năm 2000. Hiện tại, nông dân đang háo hức trồng các loại lương thực chính cho thị trường nước ngoài.
Ảnh: Nikkei Aisia Review. |
Mục tiêu xuất khẩu tăng gấp ba lần trong năm 2019
Hai thị trường hàng đầu là Hong Kong và Singapore, tiêu thụ tổng cộng 60% gạo từ Nhật Bản. Giá trị xuất khẩu gạo đã tăng 18% lên mức cao chưa từng thấy là 3,7 tỉ yen (tương đương 33,4 triệu USD) trong năm 2018, cho thấy sự gia tăng gấp 10 lần so với thập kỉ trước.
Tháng 10/2018, nhà bán buôn gạo Kitoku Shinryo và Liên minh Hợp tác xã Nông nghiệp Hokuren đã gửi lô xuất khẩu gạo Yumepirika đầu tiên sang Thượng Hải từ một cảng ở Hokkaido, hòn đảo chính ở viễn bắc.
Xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trung Quốc, trong tháng 11, cho biết họ sẽ cho phép nhập khẩu gạo từ Niigata, khu vực sản xuất gạo lớn của Nhật Bản, dỡ bỏ một phần việc đình chỉ đối với thực phẩm từ một khu vực rộng xung quanh tỉnh Fukushima sau thảm họa hạt nhân năm 2011.
"Chúng tôi muốn bắt đầu với Thượng Hải và quảng bá gạo của chúng tôi đến các thành phố khác", ông Genichi Jinde, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia cho biết.
Các thị trường quốc tế đang phát triển của gạo Nhật Bản gồm Mông Cổ, với 336 tấn gạo xuất khẩu vào năm ngoái, tăng 66%. Xuất khẩu sang Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tăng gấp đôi lên lần lượt 49 tấn và 37 tấn.
Gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu nhỏ của Nhật Bản so với các loại thực phẩm như sò điệp và thịt bò, đạt giá trị xuất khẩu lần lượt 47,6 tỉ yen và 24,7 tỉ yen vào năm ngoái.
Mặc dù vậy, theo mục tiêu lạc quan của mình, Tokyo muốn xuất khẩu gạo và các sản phẩm làm từ gạo - như bánh gạo và rượu sake - tăng hơn ba lần, từ 31.000 tấn trong năm ngoái lên 100.000 tấn vào năm 2019.
Nguồn: (vietnambiz.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét